Phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo ra động lực mới xây dựng phường Ngọc Sơn phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nâng cao đời sống Nhân dân
Phường Ngọc Sơn được thành lập theo Nghị quyết số 1686/NQ-UBTVQH15, ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa năm 2025, trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hải Châu, phường Hải Ninh,xã Thanh Thủy, xã Thanh Sơn.
1. Truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng
Về tên gọi Ngọc Sơn: Theo sử sách ghi lại, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông đặt tên là huyện Ngọc Sơn, Vua khen “Ngọc Sơn trung tú vạn niên cơ” - dịch nghĩa “Huyện Ngọc Sơn có nhiều cảnh đẹp vạn năm”. Từ đó, đến đầu thời Nguyễn vẫn giữ tên huyện Ngọc Sơn. Huyện Ngọc Sơn là 1 trong 3 huyện của Phủ Tĩnh Gia: Ngọc Sơn, Nông Cống và Quảng Xương.
Tên huyện Ngọc Sơn có từ năm 1469 đến năm 1945 (476 năm) bỏ cấp phủ, huyện Ngọc Sơn mang tên huyện Tĩnh Gia. Trung tâm hành chính phủ lỵ Tĩnh Gia trước đời Nguyễn đóng ở làng Năng Cải (Hải Ninh) thuộc huyện Ngọc Sơn.
Việc đặt tên là phường Ngọc Sơn phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa; Ngọc Sơn là 1 trong 3 huyện của phủ Tĩnh Gia trước đây, do vua Lê Thánh Tông đặt có giá trị lịch sử, văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử.
Trụ sở Đảng uỷ - MTTQ phường Ngọc Sơn
Trụ sở HĐND - UBND phường Ngọc Sơn
Trụ sở Công an phường Ngọc Sơn

Trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự phường Ngọc Sơn
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng “tinh - gọn - mạnh”,“hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Theo đó, trong từng giai đoạn lịch sử 4 xã, phường: Hải Châu, Hải Ninh, Thanh Thủy, Thanh Sơn (nay là phường Ngọc Sơn) đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trang sử mới đang mở ra trên quê hương phường Ngọc Sơn. Truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, cốt cách con người của 4 xã, phường có nhiều nét tương đồng, tạo nên phường Ngọc Sơn mới với truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng tốt đẹp tiếp tục được phát huy, để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Phường Hải Châu (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính) cũng như các làng, xã Việt Nam đều có những điểm tương đồng về văn hóa, với những lễ hội, tín ngưỡng mang đặc trưng của cư dân nông nghiệp kết hợp hài hòa với cư dân vùng biển. Người dân làm ruộng tổ chức lễ “tế nông”, mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu; người dân đánh cá làm lễ “cầu ngư” mong trời yên, biển lặng để làm ăn phát đạt, con người mạnh khỏe, bình an. Đặc biệt, hằng năm, cứ vào dịp tháng Giêng, các tổ dân phố trên địa bàn phường lại tổ chức rước kiệu, gắn với các hoạt động văn hóa dân gian phong phú. Các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và mang đặc thù của địa phương đã được hình thành từ lâu,tiêu biểu là Lễ hội làng Hiếu Hiền được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm.

Theo thời gian, các thế hệ người dân nơi đây đã khai phá đất đai, cần cù lao động, xây làng lập xóm, tạo dựng nên nhiều giá trị văn hóa, những nét đẹp tiêu biểu mang đặc trưng của đất và người nơi đây như: Lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động, sản xuất; đoàn kết, kiên cường trong đấu tranh chống thiên tai, địch họa; vừa bản lĩnh, anh hùng, vừa bao dung nhân ái, khoan hòa và biết đặt cái chung lên trên hết, trước hết; coi trọng sự hiểu biết và giàu tình cảm; phường đã đạt chuẩn đô thị văn minh.
Phường Hải Ninh (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính), việc hình thành làng, xã, thôn, xóm trong lịch sử gắn liền với quá trình hình thành, phát triển thiết chế xã hội trong từng địa phương, Nhân dân phường Hải Ninh đã không ngừng lao động sáng tạo xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, tạo nên những giá trị cao quý. Gắn với dựng làng, dựng xóm, dân cư đã biến các vùng đất hoang hóa thành đồng ruộng màu mỡ (đồng Chìa, đồng Hiên, cửa Ngăn, rọc Lách, đồng Bồ, đồng Đầm, đồng Làng, rọc Đông, rọc Ngâm, rọc Bẻ, rọc Cạy, rọc Chuổi, ngâm Cáy, ngâm Trên, rọc Bàn,...), và đào đắp ao, giếng tạo ra nguồn nước ngọt tưới mát hoa màu.

Cùng với lao động sáng tạo xây dựng quê hương, Nhân dân phường Hải Ninh đã kiên cường dũng cảm chống giặc ngoại xâm, góp phần giành, giữ độc lập dân tộc. Là địa phương nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, Nhân dân đã đóng góp nhiều công sức và tiễn đưa các thế hệ thanh niên ưu tú tham gia các cuộc khởi nghĩa vũ trang, các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại. Quá trình xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, Nhân dân Hải Ninh đã xây đắp nên truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng tốt đẹp; phường đã đạt chuẩn đô thị văn minh.
Xã Triêu Dương cũ (trước khi sáp nhập vào phường Hải Ninh).Trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ cư dân sinh ra và lớn lên trên vùng đất Triêu Dương đã chung lưng đấu cật đưa đồng chua, nước mặn "Chưa nắng đã khô, chưa mưa đã ngập" thành những cánh đồng có thể sản xuất từ 1 đến 2 vụ lúa, hoa màu, dựng làng, lập xã, vượt qua bao khó khăn, thử thách, từng bước ổn định đời sống vật chất, tinh thần, viết nên những trang sử hào hùng ngay trên mảnh đất quê hương. Kế thừa những truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, dưới sự lãnh đạo của cán bộ, đảng viên trong Chi bộ Lê Hồng Phong (1948 - 1954) và Đảng bộ xã Triêu Dương từ năm 1957 đến năm 2019), Nhân dân Triêu Dương đoàn kết, sáng tạo, phát triển sản xuất, ổn định đời sống kinh tế, văn hóa, xây dựng và phát triển quê hương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.
Xã Thanh Sơn (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính) được khai đất, lập làng từ rất sớm nên có lịch sử, văn hóa lâu đời. Đó là sự kết tinh của đời sống văn hóa tinh thần, sự cần cù, sáng tạo của biết bao thế hệ người dân Thanh Sơn. Những giá trị tốt đẹp đó luôn được người dân Thanh Sơn lưu giữ và phát huy. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã quan tâm đến đời sống tâm linh, xây dựng các công trình văn hóa như các đình, chùa, miếu, nghè. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những biến động của xã hội, các dấu tích văn hóa, lịch sử của cha ông còn được lưu giữ ở Thanh Sơn là minh chứng cụ thể, sinh động cho bề dày văn hóa của con người nơi đây. Xã có một số nghè lớn để thờ các vị nhân sĩ như: nghè làng Tào được xây dựng từ thế kỷ thứ XV thời vua Gia Long, nằm trên đất chợ Chào hiện nay. Thanh Sơn còn là địa phương có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt.Xã có núi Nga Mi hay còn gọi là núi Nga, trên đỉnh núi có bàn Cờ tiên (đó là một phiến đá to phẳng in hình một bàn cờ và một bàn chân), giếng Tiên, dưới chân núi có giếng Am.Ngoài ra, khu vực Thanh Sơn còn có núi Đồng Bàn hay còn gọi là núi Vễ, có hòn đá ông Voi, đá Nồi Cơm, đá ống Bếp gắn liền với núi Vễ; núi Nga nối liền với núi Áng, núi Đất.
Nhân dân Thanh Sơn anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù trong lao động, sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Nhân dân Thanh Sơn luôn phát huy những truyền thống tốt đẹp, đóng góp tích cực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; xã đã được công nhận xã nông thôn mới.
Xã Thanh Thủy (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính) là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và văn hóa, hiếu học, địa linh nhân kiệt. Mặt khác, xã còn là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội giữa các huyện Tĩnh Gia và huyện Nông Cống. Chính vị tríđịa lý tự nhiên đã tạo cho Thanh Thủy trở thành một dải đất có nhiều truyền thống lịch sử mang đậm nét chung của vùng đồng bằng duyên hải miền Trung. Để tạo ra một đời sống tinh thần phong phú, người dân Thanh Thủy đã chung sức, chung lòng xây dựng nhiều công trình kiến trúc chung trong làng-xã như Phủ Tuế, đền thờ và mộ các Tiến sỹ họ Lương.
Trên quê hương Thanh Thủy ngày 8-8-1967, 10 nữ dân quân du kích xã, đơn vị nữ dân quân đầu tiên của huyện Tĩnh Gia đã bắn rơi máy bay của giặc Mỹ bằng súng bộ binh. Ngày 22/10/1967, đội nữ dân quân được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và trao tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh.Ngày 29-5-1972, đội dân quân du kích xã Thanh Thủy đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 2; ngày 20-10-1976, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho dân quân du kích xã Thanh Thủy. Nhiều người con của Thanh Thủy đã trở thành những tấm gương tiêu biểu về lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước.
2. Phát huy tiềm năng, lợi thế
Phường Ngọc Sơn là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đây là tiền đề để Nhân dân trong phường tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, dư địa mới xây dựng phường Ngọc Sơn ngày một phát triển.
Khu vực Hải Châu là một vùng đất mở với “ba bề sông nước”, địa hình khá đa dạng, bởi có cửa biển, sông, đất liền. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế và giao lưu với các vùng, miền trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt có cửa biển, cửa Ghép là nơi sông Yên đổ ra biển, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản.Có tuyến Quốc lộ 1A, đường ven biển đi qua, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có biển, có sông và cửa lạch lớn, có đồng, có bãi nên khu vực Hải Châu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp,ngư nghiệp, dịch vụ,thương mại.

Khu vực Thanh Sơn (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã) có nguồn tài nguyên phong phú. Nguồn tài nguyên đất, đá với trữ lượng lớn, góp phần phục vụ cho các công trình của Nhà nước qua các thời kỳ.Về thủy văn, khu vực Thanh Sơn có hai sông lớn bao quanh là sông Yên và sông Kênh Than - là đoạn sông được đào từ phía Nam sông Ghép đến cửa Lạch Bạng, đảm bảo lượng nước cung cấp cho việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống. Trên địa bàn hoạt động dịch vụ thương mại phát triển; chợ Chào có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa và tinh thần của người dân, là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân trong vùng.
Khu vực Thanh Thủy (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính) với diện tích đất tự nhiên là 962, 1ha, thuộc vùng chiêm trũng, nằm dọc sông Yên, có vị trí và hệ thống giao thông thuận lợi nên có điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản. Khu vực Thanh Thủy thuộc vùng đồng bằng nên có địa hình tương đối bằng phẳng, hơi dốc theo hướng từ tây nam xuống đông bắc, tạo ra những dải đất cao thấp xen kẽ nhau có độ chênh lệch không lớn. Địa hìnhrất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình cơ bản. Đất ở khu vực Thanh Thủy được hình thành từ xa xưa kết hợp với sự bồi lắng tạo ra sản phẩm chính là phù sa và cát, hình thành nên vùng đất cát. Nhân dân khu vực Thanh Thủy tận dụng các bãi triều ven sông Yên đưa vào nuôi tôm, cá nước lợ, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống; phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ rất mạnhgóp phần giải quyết nhiều việc làm cho người dân.

Khu vực Hải Ninh (trước khi sắp xếp đơn vị hành chính) có diện tích tự nhiên 614,19 ha, có bờ biển dài 3,5 km. Nhà nước đã xây dựng đê chắn sóng từ cửa lạch Ghép chạy về phía Nam làm cho phong cảnh thêm phần tươi đẹp. Trong rừng phi lao dọc bờ biển, nhiều hộ dân mở rộng dịch vụ thu hút nhiều du khách về tham quan, tắm biển. Nối với tuyến Quốc lộ 1A là tỉnh lộ 525 từ chợ Kho qua cầu Trạp. Chợ Kho trở thành trung tâm giao lưu kinh tế - văn hóa, nhà thơ Phong Tiên họ Phan đã viết “Chợ Kho - Kho tiền - Kho bạc, ai siêng đi Chợ trở nên giầu có”. Với điều kiện tự nhiên, khu vực Hải Ninh hiện nay có nền kinh tế tổng hợp bao gồm nhiều ngành nghề: Sản xuất nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, thương mại - dịch vụ, du lịch - nghỉ mát - tắm biển.
3. Khát vọng giàu đẹp, văn minh
Ngày 7/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1699/QĐ-TTg về việc Phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khu Đông Bắc (gồm các xã: Hải Châu, Hải An, Tân Dân, Hải Lĩnh, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Triêu Dương, Ngọc Lĩnh, Hùng Sơn, Định Hải, Anh Sơn và trung tâm là khu đô thị Hải Ninh): Là cửa ngõ phía Bắc của Khu kinh tế Nghi Sơn, có dải ven biển dài 15 km. Quy hoạch phát triển du lịch biển kết hợp với đô thị; phát triển khu công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thủy, hải sản, tổng kho đông lạnh.
Ngày 31/12/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số: 5553/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị số 10, Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Khu đô thị số 10, Khu kinh tế Nghi Sơn là khu đô thị cửa ngõ phía Bắc Khu kinh tế Nghi Sơn với chức năng là: Trung tâm kinh tế - xã hội, dịch vụ thương mại, đánh bắt - nuôi trồng thủy hải sản khu vực Bắc Nghi Sơn và vùng phụ cận.Khu vực lập quy hoạch tại vị trí phía Đông Bắc thị xã Nghi Sơn bao gồm một phần diện tích các phường Hải Châu và Hải Ninh.

Ngày 09/01/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số: 158/QĐ-UBND về việc Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị số 11, Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm một phần diện tích chủ yếu của phường Hải Châu, phường Hải Ninh, phường Hải An. Đây là khu đô thị với các chức năng chủ yếu: Dịch vụ công cộng, dịch vụ thương mại; các đơn vị ở đô thị bao gồm các khu ở hiện trạng, khu tái định cư, các khu nhà ở xã hội và các khu ở mới với hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 21 (CN-21), Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Phạm vi lập quy hoạchthuộc địa giới hành chính xã Thanh Sơn, xã Thanh Thủy, xã Ngọc Lĩnh; Quyết định Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 22 (CN-22), Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Phạm vi lập quy hoạch: thuộc địa giới hành chính xã Thanh Sơn và xã Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Với mục tiêu đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kết nối với các khu công nghiệp - khu đô thị khác; thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.
*
Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa to lớn cả về mặt chính trị, tổ chức và thực tiễn nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo lập không gian phát triển mới, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo ra động lực mới để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nâng cao đời sống Nhân dân.
Phường Ngọc Sơn (sau khi sáp nhập 4 xã, phường: Thanh Thủy, Thanh Sơn, Hải Châu, Hải Ninh), có diện tích tự nhiên 38,16 km2, phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp xã Các Sơn, xã Trường Văn, xã Tượng Lĩnh; phía Bắc giáp xã Quảng Chính, xã Tiên Trang; phía Nam giáp phường Tân Dân. Phường có tổng dân số gần 48.000 người, 37 thôn, tổ dân phố; Đảng bộ có 61 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng ủy (60 chi bộ và 01 Đảng bộ trường THPT Tĩnh Gia 2) với trên 1.800 đảng viên.
Thời gian tới, khối lượng công việc rất lớn, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân phường Ngọc Sơn tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Một là, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, công chức, viên chức của phường Ngọc Sơn với trách nhiệm mới, đoàn kết, tiếp tục khẳng định năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, gần dân, sát dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, tập trung cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số,nâng cao chất lượng giải quyết công việc, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
- Hai là,bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh và thực tiễn của phường, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, kịp thời; khẩn trương rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, ban hành quy chế làm việc; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị bảo đảm hoạt động thông suốt, đồng bộ, thực hiện hiệu quả tất cả các nhiệm vụ đề ra.
- Ba là, tổ chức đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2020-2025 của 4 xã, phường cũ (Hải Châu, Hải Ninh, Thanh Thủy, Thanh Sơn); trên cơ sở Quyết định số 1699/QĐ-TTgngày 7/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt: số 10, 11, 21, 22, xây dựng định hướng, kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hộitrong 6 tháng cuối năm 2025 và nhiệm kỳ 2025-2030 để tổ chức triển khai thực hiện.
- Bốn là,Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Ngọc Sơn lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kế hoạch số 270-KH/TU, ngày 13/5/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tập trung trí tuệ xây dựng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ trình Đại hội bảo đảm chất lượng tốt nhất, trong đó, đánh giá sâu sắc, toàn diện tình hình của phường, những tiềm năng, lợi thế, những động lực phát triển; xác định rõ phương hướng, mục tiêu, khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2025- 2030 sát với điều kiện thực tế của phường theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của địa phương, với tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân phường Ngọc Sơn quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025, tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ phường Ngọc Sơn lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 tạo ra động lực mới cho sự phát triển của phường, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hoá, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Mai Sỹ Lân
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân
phường Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa