KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955 - 27/2/2025) VÀ 80 NĂM THÀNH LẬP NGHÀNH Y TẾ THANH HÓA (1945-1925)
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955 - 27/2/2025) VÀ 80 NĂM THÀNH LẬP NGHÀNH Y TẾ THANH HÓA (1945-1925)
Ngày 26/02/2025 UBND xã Thanh Sơn long trọng tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc việt nam, 80 năm thành lập nghành y tế thanh hóa. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, công chức xã; Cán bộ trạm y tế, công an, các nhà trường và đặc biệt có sự tham gia của các y bác sỹ đã chế độ.
Đồng hành cùng sự đi lên và phát triển của kinh tế - xã hội thì vai trò của ngành y tế càng trở nên quan trọng hơn. Vì ngành y tế không chỉ vừa phải đảm bảo sức khỏe cho người dân, mà còn tham gia công tác phòng chống các loại dịch bệnh và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống
Cách đây 70 năm trước, vào ngày 27/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư đầy tâm huyết gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế với những lời dạy quý báu. Từ đó, ngày này được coi là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôn vinh các y, bác sĩ và những người làm việc trong ngành Y tế. Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, chúng ta lại càng nhìn nhận sâu sắc hơn lời dạy của Bác đối với ngành Y tế Việt Nam.
Trong không khí phấn khởi mừng Đảng 95 năm – Mừng Xuân Ất Tỵ, ngành Y tế tổ chức kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng Hội nghị cán bộ Y tế toàn quốc. Điều này thực hiện tinh thần Bác, qua các thế hệ thầy thuốc đã hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời đóng góp vào cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.
Trong năm 2024, kinh tế xã hội tỉnh chúng ta đạt được những bước phát triển đáng kể, thu nhập cải thiện, tăng sức khỏe cho mọi người. Ý thức về phòng bệnh được nâng cao, người dân chủ động đến cơ sở Y tế khi cần điều trị. Bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm giảm, trong khi các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư, các bệnh của người già đang tăng. Trước tình hình đó, ngành Y tế đã củng cố cơ sở Y tế cơ bản, mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, và phát triển kỹ thuật cao.
Ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau nhìn lại hành trình phấn đấu của ngành Y tế, một hành trình đầy nỗ lực và thành công. Ngành Y tế Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của Đảng và Nhà nước mà còn là niềm tin yêu của Nhân dân với ngành Y tế. 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành vượt bậc, ngành Y tế đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, từ mạng lưới Y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh đến sản xuất và cung ứng dược phẩm, đều đã đạt được những bước phát triển vững mạnh.
Chúng ta luôn chân thành cảm ơn sự cống hiến của toàn thể Thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y tế. Họ không chỉ là những người chăm sóc sức khỏe mà còn là những tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp và tình yêu thương con người. Chúc mừng và tri ân sự nỗ lực không ngừng của các Thầy thuốc, người nhà của Nhân dân Việt Nam!
Trong suốt chặng đường của ngành Y tế với bao thăng trầm, biến cố trong công cuộc xây dựng và bảo vệ non sông đất nước, các thế hệ Thầy thuốc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngành Y tế đã vượt qua những khó khăn, gian khổ và tham gia tích cực trong các chiến dịch kháng chiến, góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc. Đất nước hòa bình và bắt đầu cuộc cách mạng đổi mới, Ngành Y tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hệ thống bệnh viện, Trạm Y tế từ Trung ương đến cơ sở được xây dựng ngày càng hoàn thiện. Đội ngũ thầy thuốc không ngừng tăng lên về số lượng và trình độ. Nhiều công nghệ và kỹ thuật mới hiện đại đã được áp dụng; chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao. Nhiều dịch bệnh mới và nguy hiểm đã được kiểm soát, đẩy lùi, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Việt Nam đã đạt được hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế nhờ những nỗ lực đáng kể và sự hiến dâng của Ngành Y tế, nhiều cá nhân và tập thể đã được đảng và nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý.
Năm 1958 cùng với sự phát triển chung của Dân tộc, ngành Y tế từng bước phát triển, Trạm Y tế xã Thanh Sơn được thành lập, để đáp ứng công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cho Nhân dân. Trạm lúc đầu là ngôi chùa 3 gian 2 chái, chuyển về dựng để làm nơi khám chữa bệnh cho Nhân dân ngay tại vị trí hiện trạm y tế ngày nay. Ông Hoàng Khắc Thiềng người xóm Đu Thị, hiện nay đã mất, ở tại xã Tượng Sơn - Nông Cống, làm Trưởng ban Y tế xã, Tháng 12 năm 1959 ông Thiềng được trên điều đi phục vụ dân công làm các công trình giao thông thuỷ lợi của huyện. Ông Lường Đình Tá người Xóm Bèo thay ông Thiềng làm Trưởng trạm Y tế kiêm Trưởng ban Y tế xã, đến tháng 12 năm 1964 ông Lường ĐìnhTá được đi học lớp Bác sỹ đầu tiên của tỉnh, ông Hồ Sỹ Khơng người Xóm Núi thay ông Lường Đình Tá làm Trưởng trạm, ông Đào Xuân Mạch người xóm Văn Phúc làm trạm phó, đến tháng 01 năm 1966 ông Lê Công Hợp người làng để nay là Thôn Thanh Châu làm Trưởng trạm. Thời kỳ này cây thuốc nam được xác định là mũi chủ công của Y tế xã nhà. Các loại cây thuốc nam được sưu tầm đưa vào trồng và chế biến, sản xuất để phục vụ cho công tác chữa trị, đồng thời hướng dẫn và phát động Nhân dân trồng các loại cây thuốc nam, để Trạm thu mua đưa vào chế biến, sản xuất phục vụ cho Nhân dân trong và ngoài xã. Vừa tăng thêm thu nhập vừa đẩy mạnh phong trào toàn dân trồng và sử dụng thuốc nam.
Trước âm mưu đen tối của bè lũ đế quốc, muốn thôn tính nước ta một lần nữa. Đế quốc Mỹ điên cuồng phát động chiến tranh, chúng leo thang đánh phá ra miền Bắc ngày càng ác liệt hơn. Trạm Y tế phải di chuyển và phân tán đi nhiều nơi, tránh sự đánh phá của giặc Mỹ. được Nhân dân che chở đùm bọc sơ tán đi nhiều nơi, để đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh, cấp cứu, nhất là công tác khắc phục hậu quả do bom đạn Mỹ gây ra và đã đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Đã cấp cứu điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân, thương bệnh binh bị bom đạn của giặc Mỹ. Tháng 01 năm 1969 ông Nguyễn Duy Tam người xóm Bèo được cử làm Trưởng trạm, thời kỳ này chiến trường Miền Nam càng khốc liệt. Với khẩu hiệu: “ Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt ”, tháng 01 năm 1972 ông Nguyễn Duy Tam lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Chúc Kim Dân làm Trưởng trạm, từ tháng 12 năm 1975. Ông Tống Kim Loan đảm nhiệm cương vị phụ trách công tác Đông Y và là người có nhiều công lao đóng góp cho ngành dược liệu phát triển, từ thời kỳ 1975 đến tháng 4 năm 1985 thì ông về nghỉ. Cũng trong thời kỳ này Trạm vẫn ở vị trí cũ, được sự hỗ trợ của các cấp và sự đóng góp cả về vật chất và công sức của Nhân dân xã nhà, từng bước Trạm được củng cố xây dựng, để xứng tầm và đáp ứng với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ Nhân dân một cách tốt nhất. Giai đọan này ông Chúc Kim Dân vẫn làm Trạm trưởng, ông Nguyễn Duy Chiến phụ trách công tác sản xuất, chế biến thuốc nam.
Năm 1977 Xã đã huy động sức dân đóng góp cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của cấp trên, địa phương đã tập trung xây dựng được một khu nhà lập ngói 7 gian khang trang, được ngăn từng phòng phù hợp với việc khám và chữa bệnh cho Nhân dân cả trong và ngoài xã. Năm 1979 Trạm lại tiếp tục được xây dựng thêm một nhà ngói 4 gian 5 phòng để phục vụ cho công tác sản xuất và điều chế thuốc nam, với mục tiêu tự cung tự cấp nhằm giảm bớt sự tốn kém cho người bệnh, trong việc kham và điều trị cho người dân. Có thể nói Trạm Y tế xã Thanh Sơn như một hiện tượng mới của ngành Y tế, có rất nhiều nơi đến tham quan học hỏi kinh nghiệm về công tác Đông Y. cũng như công tác quản lý Y tế cơ sở nói chung. Trạm liên tục được cấp trên công nhận là tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa nhiều năm liền.( Từ 1979 - 1983)
Do đặc thù của chế độ bao cấp nên chế độ chính sách đối với cán bộ ngành Y tế hầu như không có gì, ngoài chế độ thù lao ít ỏi được trích ra từ nguồn ngân sách quỹ phúc lợi do Nhân dân địa phương đóng góp mà thôi. Nhưng mỗi thành viên trong Trạm vẫn tận tuỵ với công việc, hết lòng vì sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cho Nhân dân. Thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu “ Lương Y như từ mẫu – Thầy thuốc như Mẹ hiền ”.
Nhân dân càng tin tưởng vào hệ thống Y tế xã nhà, và đây là chỗ dựa tin cậy về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của người dân trong xã cũng như ngoài xã.
Đến tháng 4 năm 1984 vì lý do tuổi tác, ông Tống Kim Loan được về nghỉ, ông Chúc Kim Dân vẫn làm Trưởng trạm, ông Nguyễn Duy Chiến Trạm phó phụ trách công tác Đông Y, ông Lê Đình Tuấn phụ trách công tác Dược bán thuốc Tây Y.
Do điều kiện sức khoẻ và tuổi tác tháng 8 năm 1995 ông Chúc Kim Dân được tổ chức sắp xếp cho nghỉ chế độ, ông Lương Tú Thanh được tổ chức giao nhiệm vụ làm Trưởng trạm Y tế.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, được sự quan tâm của các cấp, đòi hỏi phải có trình độ cao hơn, phù hợp với xu thế phát triển chung, năm 2002 ông Lương Tú Thanh được đi thi và học Bác sỹ Đa khoa, tại Trường đại học Y Thái Bình trong thời gian 4 năm, ông Lương Đức Diễn được bổ nhiệm quyền Trưởng Trạm Y tế xã tế từ tháng 9 - 2002, đến tháng 4 - 2004 do thay đổi và chuyển công tác, ông Lương Đức Huy được tổ chức phân công quyền trưởng Trạm Y tế, sau khi Ông Lương Tú Thanh học về, ông Lương Đức Huy tháng 9 - 2007 tiếp tục đi học tại Trường đại Học Y Thái Bình.
Trong suốt những năm qua, Trạm Y tế luôn được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và của các cấp, ngành với sự phấn đấu khắc phục mọi khó khăn của cán bộ nhân viên Trạm luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương và các cấp giao cho. Liên tục giữ vững danh hiệu xã Đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về công tác Y tế.
“Có sức khỏe là có tất cả” “Sức khỏe quý hơn vàng” chúng ta càng trân trọng ghi nhớ công lao của các thế hệ thầy thuốc từ tuyến cơ sở đến các tuyến trên đã không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Xứng đáng lời Bác Hồ căn dặn “Lương Y như Từ mẫu - Thầy thuốc như mẹ hiền”! Chúc Ngành Y luôn vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân, càng có nhiều đóng góp không ngừng nghỉ cho công cuộc dựng xây và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta, đưa nước nhà ngày càng phát triển hơn nữa, sánh vai với bạn bè quốc tế.
Dưới đây là một số hình ảnh buổi tọa đàm:
H.a: Tập thể cán bộ địa phương chụp ảnh cùng cán bộ y tế các thời kỳ
H/a: Đại biểu tham dự nghe đ/c Đỗ Xuân Thanh đọc thư Bác Hồ gửi nghành y tế
H.a: Đ/c Trần Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã khai mạc buổi tòa đàm
H/a: Đ/c Hoàng Văn Quốc phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm
H/a: Đ/c Lương Tú Thanh - Trưởng trạm y tế ôn lại truyền thống nghành y tế
H/a: Đ/c Đậu Đình Thảo - Cán bộ nghành y tế đã nghỉ hưu phát biểu cảm tưởng tại buổi tọa đàm
H/c: Các đ/c đại diện Đảng, chính quyền địa phương thăm hỏi chúc mừng bác Đậu Đình Dân - nguyên trưởng trạm y tế xã Thanh Sơn
H/c: Các đ/c đại diện Đảng, chính quyền địa phương thăm hỏi chúc mừng Bà Lê Thị Hiệp - cán bộ trạm y tế xã Thanh Sơn đã công tác